Với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để Hội nhập quốc tế, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên (VBF) 2015 đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 1/12 tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là giai đoạn Việt Nam đang cải cách thực chất thể chế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra với Việt Nam.

Đó là năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải cách hành chính, chống tham nhũng, cũng như việc chuẩn bị để hộp nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới còn nhiều bất cập. Môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhiều về thể chế nhưng khâu thực thi còn nhiều yếu kém.

"Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm. Trong khi nền kinh tế còn nhiều hạn chế, đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về hội nhập kinh tế thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), đã ký kết và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết" - Bộ trưởng Vinh nói.

Bà Virginia B.Foote, Đồng Chủ tịch, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thì cho biết kể từ Diễn đàn giữa kỳ được tổ chức vào tháng 6/2015, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với DN ở Việt Nam - đặc biệt là kết quả đàm phán của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10/2015.

"Chúng tôi kỳ vọng việc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Eu sẽ đạt được kết quả trong tuần này tại Brussels. Chúng tôi cũng rất hài lòng với các cam kết trong Nghị quyết số 19 năm 2015, và cũng đã chứng kiến rất nhiều các văn bản pháp luật quan trọng được ban hành và có hiệu lực trong năm nay" - Bà Virginia B.Foote nói.

Tuy nhiên, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các DN, bà Virginia B.Foote cho rằng cần thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính thông qua việc giảm lượng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa các DN và giữa DN với Chính phủ.

Cũng theo bà Virginia B.Foote, Việt Nam đã đi được khoảng 70 - 80% quãng đường để hướng tới các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu và 20% cuối cùng sẽ là chìa khóa thành công cho các công ty hoạt động tại Việt Nam. Do đó, vị đồng Chủ tịch Diễn đàn VBF bày tỏ sự hoan nghênh các bước tiên quan trọng mà Chính phủ đã đạt được để đưa hệ thống kế toán của Việt Nam đến gần hơn chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, những vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn là cải thiện cơ sở hạ tầng cứng, sản xuất năng lượng, kế hoạch phát triển điện VII, ngành than, các ngành công nghiệp... cũng được bà Virginia B.Foote chỉ ra.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là kỳ VBF đầu tiên sau khi vừa kết thúc đàm phán TPP, cải cách thể chế nhìn chung tốt, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Theo đó, điểm nghẽn đáng quan ngại nhất theo ông Lộc là sự phát triển của kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn "cô đơn"

Do đó, trong năm 2016 định hướng là sẽ thực thi các hiệp định thương mại mới, VCCI sẽ kết hợp với từng ngành hàng để trao đổi và hình thành nên các liên minh DN, thúc đẩy DN tư nhân trong nước tham gia chuỗi toàn cầu. Hỗ trợ chính sách ngành hàng thay vì các DN đơn lẻ.

(Nguồn: VBF)

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​