​Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ và xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến, lừa đảo việc làm trực tuyến đã trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại các nước ASEAN. Các hình thức lừa đảo làm việc trực tuyến phổ biến có thể kể đến như việc nhẹ lương cao, việc làm tại nhà, và đáng ngại nhất là buôn người dưới vỏ bọc làm ở nước ngoài. Thiệt hại do lừa đảo việc làm trực tuyến gây ra ước tính lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm

Trước thực trạng trên,các nước ASEAN đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó quan trọng nhất là việc thông qua "Tuyên bố về tăng cường hợp tác thực thi pháp luật về phòng, chống lừa đảo lam việc trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 18 (AMMTC), tập trung vào một số nội dung gồm:

(i) Tái khẳng định cam kết chung trong giải quyết các vụ lừa đảo việc làm trực tuyến và các tội phạm liên quan, đặc biệt là rửa tiền, tội phạm mạng và buôn người, thông qua các nỗ lực đồng bộ trong các cơ chế hiện có;

(ii) Bảo đảm các nỗ lực giải quyết các vụ lừa đảo việc làm trực tuyến không ảnh hưởng tới việc tuyển dụng trực tuyến an tòa và quyền của các cá nhân hoặc tổ chức trong việc tuyển dụng hoặc ứng tuyển;

​(iii) Tăng cường hợp tác và phối hợp, đặc biệt là giữa các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý biên giới của các nước ASEAN thông qua chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực, hỗ trợ pháp lý, dẫn độ và tổ chức các cuộc điều tra chung khi phù hợp;

(iv) Nâng cao năng lực của các cán bộ tuyến đầu trong việc thu thập và chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN, xác định vị trí, điều tra và truy tố các đối tượng, tổ chức lừa đảo việc làm trực tuyến theo luật pháp và quy định của các nước thành viên và các công cụ pháp lý quốc tế;

(v) Hoàn thiện các chính sách, quy tắc và quy định để ứng phó hiệu quả với sự nổi lên của các vụ lừa đảo việc làm trực tuyến, nhấn mạnh các đối tượng phạm tội cần chịu trách nhiệm, đồng thời chú trọng bảo vệ nạn nhân;

(vi) Thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc không trừng phạt để có cơ sở bảo đảm các cá nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi trái pháp luật của họ là hệ quả trực tiếp của lừa đảo việc làm trực tuyến hoặc nạn buôn người.

(vii) Nâng cao nhận thức của công chúng, tăng cường truyền thông về biện pháp phòng ngừa các hình thức chiêu mộ mớ thông qua các nền tảng truyền thông và kỹ thuật số;

(viii) Ủng hộ hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó gồm các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý biên giới, các tổ chức tài chính, khu vực tư nhân và các đối tác khác, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, quy định của các nước ASEAN và các công cụ pháp lý quốc tế;

(ix) Xây dựng nghiên cứu về lừa đảo việc làm trực tuyến, chia sẻ kết quả nghuên cứu tới công chúng và các cơ quan có thẩm quyền liên quan để hỗ trợ xây dựng các chiến lược và biện pháp phòng chống loại tội phạm này.​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​