​​

 QUAN HỆ VIỆT NAM-PHI-LÍP-PIN​

           1. Chính trị: Việt Nam và Phi-líp-pin thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12-7-1976. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

           Việt Nam có các đoàn thăm Phi-líp-pin của: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (9/1978); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (26-28/2/92); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (5/93); Chủ tịch Lê Đức Anh (12/95); Chủ tịch Trần Đức Lương (14-16/11/2001); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (14-17/12/2003). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị AIPO lần thứ 27 tại Cebu, Phi-líp-pin ( 10-15/9/2006). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 tại Cebu, Phi-líp-pin (10 - 15/1/2007). 

          Phi-líp-pin có các đoàn thăm Việt Nam của: Ngoại trưởng R.Manglapus (1988); Chủ tịch Hạ nghị viện Ramon Mitra (1991); Tổng thống Phi-líp-pin F. Ramos (1994); Tổng thống J. Estrada (1998); Chủ tịch Hạ viện Phi-líp-pin De Venecia (1999 và 2002); Tổng thống Arroyo (6-7/11/2002); Chủ tịch Thượng viện Drilon (4/2004). Tổng thống Arroyo dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội từ 8-9/10/2004 và Hội nghị Cấp cao APEC tại Hà Nội (19-23/ 11/2006).

          Quan hệ hai nước phát triển tốt. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2002 của Tổng thống Arroyo, hai nước ​đã ký "Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo". 

Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy các bên liên quan thảo luận để sớm ký Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC); phối hợp để ký Hiệp định ba bên (Trung Quốc – Phi-líp-pin – Việt Nam) về thỏa thuận thăm dò địa chấn trên biển trong Khu vực thoả thuận tại Biển Đông (ký ngày 14/3/05), theo đó, ba nước đánh giá cao Thoả thuận, coi là mốc mới trong hợp tác ở Biển Đông. Ba nước đã hoàn thành giai đoạn một thăm dò địa chấn ở khu vực nêu trong Hiệp định ba bên và đang đánh giá kết quả để tính tới những bước hợp tác tiếp theo.

2. Kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hoá :      

           + Tháng 3/1994, hai nước ký thoả thuận thành lập UBHH về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa 2 chính phủ và cho đến nay đã họp được 4 lần, phiên họp lần thứ 4 vào 4-8/11/2005. Hai bên dự kiến phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2007.

           + Kim ngạch hai chiều các năm gần đây: năm 2003 đạt trên 450 triệu, năm 2004 đạt 687 triệu USD, và năm 2005 đạt 1 tỷ 39 triệu USD trong đó Việt Nam xuất 829 triệu USD và nhập 210 triệu USD, năm 2006 đạt gần 1,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 6% so với năm 2005. Gạo là mặt hàng chủ lực của ta xuất sang Phi-líp-pin trong nhiều năm qua. Năm 2005, Việt Nam đã xuất khẩu 1.700.000 tấn gạo cho Phi-líp-pin; Ngoài ra ta còn xuất sang Phi-lip-pin linh kiện điện tử và hàng nông sản. Ta nhập của Phi-líp-pin chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng... 

+ Về đầu tư: Tính đến hết năm 2006, Philíppin có 25 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 250 triệu USD (đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia).

          + Về hợp tác khoa học công nghệ môi trường: Hai nước đã tiến hành 4 chuyến khảo sát hỗn hợp trên biển theo lộ trình Phi-líp-pin -Trường Sa -Vũng Tàu.           

          + Về nông nghiệp và giáo dục: Philippin đang đào tạo cho ta một số chuyên gia nông nghiệp. Hiện có khoảng 60-70% diện tích trồng lúa ở Việt Nam đang áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về canh tác lúa và các giống lúa mang nguồn gốc IRRI. IRRI đã tài trợ cho hơn 600 lượt cán bộ nghiên cứu Việt Nam.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​